Chi tiết bài viết

Vỡ thai lạc ở trực tràng

TP HCMChị Nhung, 25 tuổi, mang thai ở trực tràng, thai vỡ gây xuất huyết ồ ạt, nguy hiểm tính mạng.

Chị Nhung được thụ tinh ống nghiệm, mang thai vào cuối tháng 7 sau ba năm hiếm muộn. Hai tuần sau, chị đau thốn hậu môn, đau bụng dưới rốn, bụng căng, bí tiểu, được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.

Ngày 28/8, ThS.BS Ngô Thị Bình Lụa, Trung tâm Sản Phụ khoa, cho biết siêu âm không thấy thai trong tử cung, thai phụ có dấu hiệu xuất huyết ổ bụng, nghi thai ngoài tử cung vỡ.

Ê kíp phẫu thuật khẩn, hút được 500 ml máu trong ổ bụng của thai phụ. Kiểm tra vùng cùng đồ (vùng nối giữa âm đạo và tử cung), phát hiện túi thai khoảng 5 tuần, kích thước 1 cm, bám mặt sau phúc mạc, gai nhau bám vào mặt trước trực tràng.

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, cho biết: "Thai bám mặt sau phúc mạc là tình trạng hiếm gặp", thêm rằng đây là vị trí hiểm, giữa các mạch máu lớn, vừa khó chẩn đoán vị trí trước mổ vừa đe dọa tính mạng thai phụ.

May mắn người bệnh cấp cứu kịp thời, bác sĩ cầm máu, bóc mô nhau còn sót lại, rửa bụng. Tuy nhiên, thai không giữ được. Hậu phẫu, chị Nhung cần nhịn ăn ba ngày, điều trị nội trú.

Bác sĩ phẫu thuật nội soi lấy thai lạc trong ổ bụng chị Nhung. Ảnh: Tuệ Diễm

Bác sĩ phẫu thuật nội soi lấy thai lạc trong ổ bụng chị Nhung. Ảnh: Tuệ Diễm

Thai lạc chỗ trong ổ bụng có thể bám vào các tạng như gan, dạ dày, ruột hoặc các thành ổ bụng... dẫn đến xuất huyết nghiêm trọng. Thai trong ổ bụng có thể là thứ phát - thai ngoài tử cung từ tai vòi sảy vào trong ổ bụng, sau đó mô nhau thai tiếp tục cấy ghép phát triển. Ngoài ra, nguyên nhân nguyên phát là khi phôi thụ tinh di chuyển bất thường theo đường bạch huyết đến cấy ghép ở các cơ quan ngoài tử cung. Như trường hợp chị Nhung, thai ngày càng lớn, nhau thai phát triển bám rộng vào các mạch máu và gây tổn thương, dẫn đến chảy máu ồ ạt trong ổ bụng.

Thai lạc trong ổ bụng không có dấu hiệu nhận biết rõ. Phụ nữ có thể chậm kinh, buồn nôn, căng ngực, mệt mỏi. Một số trường hợp đau bụng, ra máu âm đạo, rối loạn tiêu hóa. Nguyên nhân chưa được xác định. Các yếu tố nguy cơ gồm viêm dính hố chậu do bệnh lây truyền qua đường tình dục, hút thuốc lá, lớn tuổi, tiền sử phẫu thuật vùng chậu, sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp sai cách.

Để phòng ngừa, thai phụ nên tuân thủ lịch khám thai sớm, siêu âm để xác định vị trí thai, từ đó có thể phát hiện thai ngoài tử cung. Khi có triệu chứng đau bụng cấp, căng bụng, bủn rủn, hoa mắt, chóng mặt, khó thở... cần nhập viện ngay.