Chi tiết bài viết

'Bác sĩ' của thú nhồi bông

TP HCMChị Huỳnh Thỵ Anh Chi, 34 tuổi, đã có 8 năm theo đuổi nghề sửa chữa và làm mới thú bông, giúp nhiều người gìn giữ món đồ mang giá trị kỷ niệm.

Trong căn phòng 10 m2 ở quận Phú Nhuận, Anh Chi bóc chiếc túi giấy, lấy ra con thỏ bông đã nát nửa thân phải, ruột bông gòn chỉ còn được giữ lại bằng vài sợi chỉ mỏng. Người phụ nữ miết nhẹ bề mặt vải còn sót lại, suy nghĩ hướng xử lý.

"Ca này nặng, cần tắm làm sạch vải, thay áo mới và phồng ruột gòn", chị nói.

Chị Anh Chi nhồi gòn vào thú bông tại nhà riêng, quận Phú Nhuận, TP HCM, sáng 12/8. Ảnh: Ngọc Ngân

Anh Chi nhồi gòn vào thú bông tại nhà riêng, quận Phú Nhuận, TP HCM, sáng 12/8. Ảnh: Ngọc Ngân

Anh Chi quê ở Bảo Lộc, Lâm Đồng, hiện là giáo viên thỉnh giảng chuyên ngành du lịch nhưng 70% thời gian của chị dành cho đam mê sửa thú bông.

8 năm trước, khi bắt đầu công việc này Anh Chi nhận được không ít những ánh mắt ngạc nhiên và can ngăn. Mọi người coi đây là việc kỳ lạ bởi hầu hết có thói quen khâu vết rách thú bông tại nhà, hoặc bỏ đi khi hỏng. Nhưng chị tin rằng nghề này của mình sẽ được thị trường đón nhận bởi ở nước ngoài như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc đã có cả bệnh viện, phòng khám thú bông. Hiện tại, chị là người hiếm hoi hồi sinh thú bông cũ tại TP HCM.

Từ nhỏ, Chi đã yêu thích việc khâu vá, móc len giống như nhiều phụ nữ Bảo Lộc. Nhà khó khăn nên khi có con gấu bông đầu tiên, chị nâng niu đến mức đắp chăn cho gấu, chơi xong luôn bẻ khớp lại, sợ gấu rách chỉ. Lớn lên, chị thường nhặt nhạnh thú bông cũ về giặt sạch, sửa chữa và cất trong nhà.

Năm 2015, trên đường đi làm về, Chi gặp con gấu bị bỏ rơi trên vệ đường, mặt mũi lấm lem, cáu bẩn nên nảy ra ý tưởng mở dịch vụ sửa chữa thú bông. Ban đầu, chỉ có vài khách đến nhờ sửa, sau nhận được nhiều nhận xét tốt, nhu cầu khách hàng tăng lên. Đến nay, mỗi tuần chị nhận được 10-20 thú bông cần sửa chữa, thu phí từ 30.000 đến vài trăm nghìn đồng, tùy mức độ hỏng.

Khách đến chỗ Chi đa phần là sửa vết thương (rách, sứt chỉ, sờn vải, bung cúc, đứt rời tay chân), xử lý vết mốc, bẩn hoặc làm phồng thú bông. Cầm thú bông trên tay, chị sẽ kiểm tra kỹ chất liệu, chỗ hư hỏng và hỏi mong muốn phục hồi. "Có người muốn sửa lành lặn nhưng không làm mất mùi quen thuộc của thú bông, tuyệt đối không được giặt", chị kể.

Quy trình thông thường của một lần sửa là "tắm" thú bông, sửa vết thương và thay ruột bông gòn. Trong đó, tắm được hiểu như cách làm sạch sâu bằng cách lấy bông ra, không sử dụng nhiều xà phòng, chất tẩy để vải không bị sờn, mất màu gốc. "Một số người giặt thú bông bằng máy, ruột sẽ bị xẹp, bện lại không cứu vãn được, chỉ có cách thay mới", chị nói.

Theo Chi, khó khăn nhất là những ca ghép da, tái tạo gương mặt cho những thú bông tuổi đời từ 20-40 năm, bị rách nát phần đầu, vải mục. Vì chúng có giá trị kỷ niệm cao, chị luôn cố gắng đưa chúng về nguyên trạng. Nhận sửa các trường hợp này, Chi thường nhờ khách hàng gửi ảnh thú bông trước đó, chị giữ lại phần vải có thể sử dụng, đắp thêm chất liệu tương đồng, may các khớp tay chân, vá vết rách, đính hạt, khâu tay chi tiết nơ, cúc áo. Nếu không có ảnh, Chi phải hỏi thêm màu sắc, chất liệu vải, hình dáng của thú bông để cảm nhận rồi phục hồi theo trí tưởng tượng.

Cuối năm 2016, một cô gái đến gõ cửa nhà Chi, nhờ phục hồi con gấu bông dài 50 cm hỏng nặng. Lúc ấy Chi mới làm nghề một năm, đành từ chối. Tối đến, chị nhận được tin nhắn từ khách hàng nói đây là món quà để lại của người mẹ vừa qua đời, bạn xem như báu vật trong đời nên mong chị hồi phục giúp.

Chi nói nghe khách nói xong, xúc động nước mắt chảy dài. Chị đắn đo nửa ngày rồi quyết định nhắn khách đem sang lần nữa. Bốn ngày sau đó, chị cặm cụi đến 2h đêm để gỡ từng đường chỉ bị nát do khâu vá nhiều lần, làm liền lại những vết rách và thay bông gòn trong ruột.

Chị Anh Chi vá gấu bông cho công ty tại quận 1, TP HCM, tháng 10/2021. Ảnh nhân vật cung cấp

Chị Anh Chi vá gấu bông cho công ty tại quận 1, TP HCM, tháng 10/2021. Ảnh nhân vật cung cấp

Năm ngoái, Anh Chi nhận rất nhiều ca "gấu ghiền", những thú bông được các em bé yêu thích (ghiền) ngửi mùi, ôm khi ngủ, nếu thiếu sẽ trằn trọc. Chị thường ưu tiên sửa những trường hợp này trước.

Một người mẹ từng mang chú gấu con trai dùng 9 năm đã xỉn màu, mất chóp mũi đến nhờ chị làm mới. Khách kể bé xem chú gấu như em trai, tối nào cũng ôm thủ thỉ kể chuyện nên không chịu bỏ. Gấu mang đi sửa vẫn đòi sang thăm. Chi cố gắng sửa gấu nhanh nhất có thể, thậm chí giao hàng vào lúc 23h, trước giờ bé ngủ.

Nhiều người lớn cũng có "gấu ghiền". Một bạn sinh viên đi du học đã nhờ người nhà mang đến chỗ Chi sửa rồi gửi sang Mỹ. Với ca này, Chi buộc làm cẩn thận từng chi tiết bởi chuyển hàng rất khó khăn, chị chọn cách chụp lại từng chi tiết được sửa chữa để gửi cho khách.

Chi nhớ nhất lần nhận được lời đề nghị đặc biệt, làm mới và di dời gấu Brown cao 2,5m, ruột gồm xốp, mút, xương sống là hai trụ sắt, cho một công ty ở quận 1. Khi cắt những đường đầu tiên trên con gấu bằng dao rọc giấy, chị mới biết nó có giá hàng trăm triệu đồng, được ráp nối trong ba tháng bởi đội ngũ người nước ngoài. "Tôi không khỏi lo lắng. Đó là con gấu khổng lồ và quy trình khó khăn nhất mà tôi từng nhận", Chi nói.

Người phụ nữ cưa gấu thành nhiều phần nhỏ bằng dây kẽm, nhờ hai học trò trợ giúp chuyển hàng lên xe tải đến địa điểm mới. Tại đây, Chi bắt đầu ráp các phần của con gấu lại và nối chúng hoàn toàn đường may tay, làm sạch toàn bộ phần lông gấu bằng máy hút. Sản phẩm được hoàn thành trong 36 tiếng, trở thành niềm tự hào của Chi.

Chị Thanh Tâm, ngụ quận 6, TP HCM từng có 5 lần mang búp bê nhồi bông đến Anh Chi sửa. Tâm có bộ sưu tập 50 búp bê, giá trị mỗi con từ 300.000 đồng đến vài triệu đồng. Biết đến Chi qua bạn bè giới thiệu nhưng lần đầu mang búp bê đến, chị vẫn không khỏi lo lắng. Khi nhận về, Tâm đã ngạc nhiên trước sự chỉn chu của sản phẩm, búp bê được làm sạch, thay bông, gắn xương sống (thiết bị bằng nhựa định hình dáng ngồi) và các vết rách được sửa bằng đường may đẹp, tỉ mỉ.

Anh Chi cho biết, tay nghề chị đã cứng qua từng năm, bởi tiếp xúc với nhiều lỗi hỏng của thú bông. Ở TP HCM, những người làm nghề như Chi không nhiều, chị luôn mong muốn tìm được người để truyền lại kinh nghiệm.

Những lúc đơn đặt sửa nhiều, Chi làm một mình gần như quá tải nhưng Chi luôn thao tác cẩn thận, đường may kỹ. "Mỗi con thú bông đều gắn bó với kỷ niệm, câu chuyện nào đó, tôi không cho phép mình hời hợt", Chi nói.

N