Hai tuần trước, thai phụ (ở Hà Nội) đến bệnh viện kiểm tra định kỳ. Bác sĩ Phan Chí Thành, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết người phụ nữ mang thai lần hai bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo (IVF), 38 tuần, con nặng 3,1 kg, hai mẹ con khỏe mạnh. Nghĩ thai đủ cân, mẹ không bệnh lý nền, gia đình hai bên họp và quyết định đăng ký mổ để tránh tháng 7 âm. Tuy nhiên, bác sĩ từ chối.
"Kíp hoàn toàn có thể thuận theo gia đình để 'ăn chắc', song việc ép một đứa trẻ chào đời sớm tiềm ẩn nhiều nguy cơ và biến chứng", ông Thành nói. Chẳng hạn, thai phụ bị mất máu gấp đôi sinh thường, từ 500 ml đến một lít, nhiễm trùng, sẹo mổ vĩnh viễn, đau sau mổ, thời gian hồi phục chậm. Trường hợp thai mới 38 tuần chưa đảm bảo sức khỏe toàn diện, nguy cơ suy hô hấp, suy tuần hoàn cao.
Bác sĩ tư vấn thai phụ "con cái là lộc trời cho", nên tiếp tục chăm sóc và theo dõi thay vì mổ chỉ vì kiêng tháng "cô hồn". Ngày 24/8, chị Linh sinh thường bé gái nặng 3,5 kg, hiện đã xuất viện.
Theo quan niệm dân gian, tháng 7 âm lịch hay còn gọi là tháng "cô hồn", tháng của ma quỷ. Trong tháng này, ngày rằm tháng 7 là thời điểm Diêm vương đại xá, cho phép tất cả vong hồn, gồm cả vong hồn bị giam giữ trong địa ngục được về nhà với con cháu trong một ngày. Còn trong lễ Vu Lan, các chùa dùng cháo trắng bố thí cho các oan vong, cô hồn được ăn uống no đủ, siêu thoát.
Trong tháng 7, mọi người truyền tai nhau không treo chuông gió ở đầu giường; không đi chơi đêm; không mổ, không cưới hỏi, mua đất, xây nhà, không tùy tiện đốt vàng mã... Người dân kiêng đi khám, đến bệnh viện vì sợ điều "xui xẻo".
Do đó, nhiều thai phụ và gia đình kiêng đẻ tháng 7 âm vì sợ đứa bé chào đời kém may mắn. Ngoài Linh, bác sĩ tiếp nhận nhiều trường hợp tương tự. Nếu dự sinh đầu tháng 7, các thai phụ xin mổ chủ động từ tháng 6 âm. Nếu dự sinh tháng 8 âm, gia đình đành phải dựa vào tâm linh, "thậm chí đi chùa cầu mẹ bầu không sinh sớm".
Như thai phụ 23 tuổi, dự sinh đầu tháng 8 âm, nơm nớp lo sợ sinh sớm. Ở cùng mẹ chồng, cô phải đi đứng nhẹ nhàng, thậm chí nghỉ làm sớm để không bị sinh non. Gia đình cô lên chùa cầu cho con sinh đúng ngày đúng tháng, hoặc muộn hơn, miễn không vào tháng 7.
Hiện chưa có thống kê tỷ lệ thai phụ sinh mổ do kiêng mùng một, ngày rằm hay tháng "cô hồn". Tuy nhiên, bác sĩ Thành cho rằng quan niệm này dẫn đến nhiều hệ lụy. Nếu gia đình quá mê tín, "ép" trẻ ra đời sớm khiến bé bị thiếu tháng, hệ hô hấp chưa hoàn thiện, viêm phổi, ảnh hưởng phát triển sau này. Chưa kể, đẻ mổ để lại nhiều biến chứng ở mẹ, như nhiễm trùng, sẹo, vết mổ không lành, ngứa, nguy cơ vỡ tử cung khi có sẹo mổ cũ hai lần cao gấp đôi so với sẹo mổ cũ một lần.
Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, mỗi năm có hơn 20.000 ca đẻ, trong đó hơn một nửa là mổ. Tỷ lệ đẻ mổ tăng dần theo các năm. 5 năm gần đây (2015 đến 2019), trong hơn 110.000 ca sinh nở tại bệnh viện có gần 68.000 ca mổ, tức là hơn 50%, và gấp đôi so với 10 năm trước đó. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo tỷ lệ sinh mổ nên duy trì dao động ở 10-15% tổng ca sinh để tránh các tai biến sản khoa cho cả mẹ và thai nhi.
Cùng quan điểm, Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện, cho rằng mẹ bầu chọn giờ đẹp, ngày đẹp để sinh con với kỳ vọng con thông minh, tài giỏi, hợp mệnh bố mẹ là sai lầm. Bởi, sinh con là giai đoạn nguy hiểm, bác sĩ căn cứ trước tiên vào tình trạng, sức khỏe thai phụ, sau đó mới cân nhắc đến nguyện vọng gia đình.
Ví dụ, người phụ nữ 39 tuổi, ở Hà Nội, suýt tử vong do tiền sản giật nặng ở tuần thai 37 nhưng quyết không mổ vì kiêng ngày mùng một. Kíp cấp cứu mất rất nhiều thời gian để thuyết phục. May mắn bé gái chào đời an toàn, sức khỏe người mẹ ổn định. Hay trường hợp mẹ bị nhau tiền đạo, ra máu, tiền sản giật... buộc phải mổ lấy thai ngay nhưng gia đình kiêng mổ đêm giao thừa khiến mẹ con gặp nguy hiểm.
Bác sĩ khuyến cáo sản phụ nên sinh thường, trường hợp bất khả kháng sẽ được chỉ định sinh mổ. Tuy nhiên, không có phương pháp sinh nào là an toàn tuyệt đối. Thông thường, bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi ích, nguy cơ sinh thường và sinh mổ để đưa ra chỉ định đúng, kịp thời. Do đó, mẹ bầu nên suy nghĩ tích cực, thoải mái tâm lý và có kế hoạch chi tiết trước khi chuyển dạ.
Khi có dấu hiệu chuyển dạ, mẹ bầu cần nhập viện, tuyệt đối không kiêng hoặc trì hoãn thời gian, đe dọa tính mạng của mẹ và thai nhi. Mẹ bầu không nên quá mê tín, cứng nhắc bởi việc chọn ngày, chọn giờ để "ép" đứa trẻ ra đời.
"Sức khỏe hai mẹ con phải được ưu tiên hàng đầu trong bất kỳ hoàn cảnh nào", bác sĩ nói.