Chi tiết bài viết

Chi hàng nghìn USD chơi nút bàn phím

HÀ NỘITrong cộng đồng những người chơi nút bàn phím (keycap), việc bỏ ra vài nghìn USD để mua một nút là bình thường, khó nhất là rình mua được món mình thích.

9h sáng ngày 24/8, Thế Cường tạm dừng công việc, truy cập trang web điền thông tin đăng ký mua một chiếc keycap với giá gốc 115 USD.

Buổi mở bán này, một hãng chuyên thiết kế artisan keycap (nút bàn phím thủ công nghệ thuật) của Việt Nam ra mắt những sản phẩm thuộc 7 màu khác nhau, trong đó có màu cam carbon và tím taro mà anh Cường rất thích. Số lượng sản phẩm có hạn mà người mua rất đông nên nhà sản xuất sẽ bốc thăm may mắn để chọn người được quyền mua.

"Có 140 nút được bán nhưng tôi không trúng được nút nào, hầu hết thuộc về người mua ở nước ngoài", Thế Cường, 32 tuổi, nhân viên một ngân hàng ở Hà Nội, nói.

Người chơi chiêm ngưỡng những bộ sưu tập artisan keycap và giao lưu với các maker (người chế tác) trong sự kiện được tổ chức ở Hà Nội tháng 12/2022. Ảnh: Vietnam Artisan Community

Người chơi chiêm ngưỡng những bộ sưu tập artisan keycap và giao lưu với các maker (người chế tác) trong sự kiện được tổ chức ở Hà Nội tháng 12/2022. Thông thường những nút thủ công này được gắn lên một vài vị trí trên bàn phím để tiện cho người sử dụng, chỉ khi triển lãm mới gắn nhiều vị trí. Ảnh: Vietnam Artisan Community

Thú chơi nút bàn phím thủ công là một nhánh nhỏ trong một cộng đồng chơi bàn phím cơ. Xuất hiện từ lâu nhưng đến Covid-19, nó thực sự bùng nổ, trở thành đam mê của những người làm trong ngành công nghệ thông tin, ngân hàng, cũng như những người làm việc nhiều trên máy tính.

Một trong những điểm cuốn hút là các keycap được chế tác thủ công mất nhiều thời gian và có hạn. Với kích thước bằng một đốt ngón tay, giá gốc một nút dao động từ vài chục đến vài trăm USD nhưng số lượng rất ít, nhiều khi chỉ có một chiếc. Người may mắn mua được lập tức được chợ đen săn đón sẵn sàng mua lại với giá gấp 10 đến 30 lần. Có những nút giá gốc 100 USD đã được người mua trả giá 3.000 USD nhưng người sở hữu nhất quyết không bán.

Thế Cường chơi cả bàn phím cơ và keycap. Đầu năm 2020 khi nhu cầu bàn phím đã đủ, anh tập trung sưu tầm keycap. "Có những lần mình phải dừng cuộc họp để tham gia. Nhiều khi maker (người sản xuất) nước ngoài mở bán lúc 2-3h sáng, đồng nghĩa cũng phải thức tới giờ đó, chỉ để mất vài phút điền thông tin đăng ký mua", Cường nói.

Đến nay anh sưu tầm được hơn 100 nút. Số tiền chi vào đó lên đến 10.000 USD tuy nhiên Cường nói giá trị thực của bộ sưu tập cao hơn con số này, không ít nút được trả tới cả nghìn USD.

Kỹ sư phần mềm Liêm Nguyễn (TP HCM) biết đến keycap thủ công nghệ thuật gần ba năm trước. Hiện anh có 500 nút, tiêu tốn khoảng 40.000 USD.

"Cái hay của thú chơi không phải có tiền là mua được mà quan trọng hơn người sở hữu có ý định bán hay không", Liêm nói. Anh phải chứng minh sự kiên trì theo đuổi, đồng thời thể hiện chỉ mua với mục đích sưu tầm chứ không bán lại kiếm lời.

Niềm tự hào của anh là chiếc nút phím Hallowirius của một hãng chế tác Việt Nam, ra đời vào mùa Hallowen năm 2020. Chiếc này có màu sắc đẹp, gây ấn tượng với quả bí ngô trên đầu. Cả bộ có ba chiếc, Liêm đã sưu tầm được hai từ trước. Riêng "con chủ" sirius thuộc sở hữu của một nhà sưu tập người Pháp.

Qua anh em trong cộng đồng chơi keycap, Liêm tiếp cận với người này. Anh thường xuyên liên hệ, nói chuyện về đam mê chung. Nhiều lần Liêm đã giao dịch với người này để sở hữu những nút khác. Sau gần hai năm người chủ cũ mới quyết định bán lại chiếc Hallowirius với giá cao gấp 20 lần gốc.

Một trong bộ sưu tập 500 artisan keycap của anh Liêm Nguyễn, TP HCM. Phím Hallowirius (khoanh đỏ trong hình) mất hai năm theo đuổi. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Một trong bộ sưu tập 500 artisan keycap của anh Liêm Nguyễn, TP HCM. Phím Hallowirius (khoanh đỏ trong hình) mất hai năm theo đuổi. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thể hiện mình là người chơi vì đam mê chứ không buôn bán kiếm lời cũng là bí quyết để anh Sinh Trần, một kỹ sư phần mềm 38 tuổi ở TP HCM sở hữu được nhiều nút hiếm.

Bước vào thú chơi này từ năm 2015, mỗi nút trong bộ sưu tập của anh Sinh đều là một câu chuyện kỳ công sưu tầm. Có lần hàng bị hải quan giữ lại do thấy nghi ngờ và khó hiểu vì sao lại có người đặt mua từ nước ngoài về chỉ một chiếc nút bàn phím. Anh Sinh được gọi lên và phải giải thích rất lâu về món đồ của mình. "Ngày ấy chơi rất cực. Nhưng mỗi lần trúng được một nút hiếm là được cả cộng đồng trong và ngoài nước chúc mừng nên rất vui", anh chia sẻ.

Trên tất cả, nút khiến anh kiêu hãnh nhất là Dark star sirius, cả thế giới chỉ có hai chiếc. Nó được thể hiện bằng một chú chó phi hành gia đội mũ bảo hiểm có kính che mặt giống như một dải ngân hà bên trong; từng sợi lông được làm chân thực và tỉ mỉ.

Một người chơi ở Mỹ sở hữu nút này, người còn lại ở Việt Nam. Để tậu được nó, anh Sinh phải tìm hiểu nhu cầu của người bạn nhiều lần, cuối cùng trao đổi bằng một bộ máy chơi game Nintendo Switch giá chục triệu đồng.

Tháng 3/2023 khi nghe tin một bạn trong cộng đồng mắc ung thư, anh Sinh quyết định bán đấu giá nút này gây quỹ giúp bạn. Cuộc đấu giá được chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng chơi toàn cầu, thu hút nhiều người tham gia. Một số người ủng hộ thêm keycap để thêm giải cho người chơi. Sự kiện gây tiếng vang, đã thu về tổng cộng 107 triệu đồng để ủng hộ người bạn.

"Đây thực sự là niềm tự hào và hạnh phúc to lớn với tôi, vì nút này đã vượt ra giá trị sưu tầm, mang đến sự hữu ích thiết thực", anh Sinh nói.

Anh Sinh Trần với bộ sưu tập keycap thủ công của mình. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh Sinh Trần với bộ sưu tập keycap thủ công của mình. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Điều khiến kỹ sư IT này và những người chơi tự hào là đã cùng nhau xây dựng được một nhóm có gần 20.000 thành viên."Có thể nói Việt Nam là một cường quốc về keycap thủ công nghệ thuật với các thợ sản xuất dẫn đầu về danh tiếng và độ tinh xảo, được nhiều khách hàng quốc tế săn tìm", anh Sinh cho biết.

Những bộ sưu tập artisan keycap hàng nghìn USD.